Các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định) đang tích cực thu mua sứa biển chế biến phục vụ xuất khẩu bởi thời gian này là cao điểm mùa đánh bắt sứa của ngư dân.
Tỉnh Nam Định với 72km bờ biển trải dài trên 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Hàng năm, sản lượng sứa biển tươi khai thác tại tỉnh đạt từ 12.000 – 15.000 tấn. Việc thu mua, chế biến sứa tại các huyện ven biển của tỉnh Nam Định đã có từ lâu, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản thu mua sứa tập trung với số lượng lớn để chế biến phục vụ xuất khẩu phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Mùa đánh bắt sứa bắt đầu từ tháng Chạp cho đến tháng 4 âm lịch của năm sau, nên vài năm gần đây các doanh nghiệp thủy sản tập trung chủ yếu vào chế biến mặt hàng này. Nguồn thu mua chủ yếu là của ngư dân trong tỉnh, sứa biển được ngư dân khai thác tại vùng biển ven bờ chủ yếu bằng thuyền mủng, bè mảng với công suất máy nhỏ. Sau đó tất cả sản phẩm sứa khai thác được tập kết về các điểm thu gom của các cơ sở chế biến rải đều tại các bãi biển để sơ chế ban đầu trước khi đưa về các địa điểm thu mua. Tại 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu đã có hơn 10 doanh nghiệp thu mua sứa, từ đầu mùa tới nay các doanh nghiệp của Hải Hậu đã xuất khẩu 7.000 tấn sứa thành phẩm, còn Giao Thủy xuất khoảng 5.000 tấn.
Anh Hoàng Đức Thiện, Giám đốc Công ty chế biến thủy sản Thiên Phú (xã Hải Triều, Hải Hậu) cho biết: “Hiện tại, hàng ngày công ty chúng tôi thu mua khoảng 150-200 tấn sứa biển với giá trên dưới 1.000 đồng/kg. Sứa có trọng lượng từ 20-25kg/con, sau khi mua về được phân loại, đem ướp muối trong các bể, cho vào máy quay vắt hết nước, cắt chân riêng, mình riêng, thêm công đoạn ướp phèn, rồi lại ướp muối… sau đó được đóng thùng để xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa”.
Trước đây, sứa biển chủ yếu được chế biến thành nguyên liệu thô (sứa ướp muối) và được xuất bán theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc vì vậy công nghệ sơ chế sứa biển phụ thuộc vào sự chỉ đạo hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc và giá cả lên xuống cũng phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường này.
Những năm gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu và tiến hành đưa vào sản xuất sản phẩm sứa ăn liền.
Xác định chất lượng là khâu then chốt để thu hút khách hàng nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu nên các doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, bể chứa sứa ướp muối… cũng như cải tiến, thay đổi quy trình chế biến theo các phương pháp khoa học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, sứa dùng để sản xuất sứa ăn liền phải tươi, trắng, sạch sẽ, không có tạp chất, loại bỏ hết nội tạng, gai, tẩy sạch nhớt rồi rửa sạch, ngâm kỹ, sau đó sứa được đảo qua nước sôi rồi đưa vào chế biến với muối và phèn cùng các loại gia vị như gừng, tỏi, giấm thanh, đường… để đóng túi từ 300gram-1kg. Sản phẩm sứa ăn liền đạt yêu cầu phải sạch váng nhớt bám ở mặt dưới của dù sứa và ở các xúc tu của đầu sứa, có mùi tự nhiên của sứa ướp muối phèn, giòn, không nhũn nát, không lẫn tạp chất lạ, không có mùi khai hoặc, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Sứa ăn liền có thể chế biến thành các món như nộm sứa, gỏi sứa, chiên, xào hay dùng để ăn lẩu…
Sản phẩm sứa ướp muối tiêu thụ ở thị trường trong nước không đáng kể do người tiêu dùng ngại tiêu thụ sản phẩm này vì khi chế biến mất rất nhiều thời gian cho khâu xử lý mặn. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã nắm bắt nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nên vài năm trở lại đây đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang Hàn Quốc ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc. Hiện tại, thị trường Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ sản phẩm chân sứa, với giá xuất khẩu khoảng 600.000 đồng/1 thùng 10kg, còn thị trường Hàn Quốc lại chủ yếu nhập thân sứa ướp muối, với giá 200.000 đồng/1 thùng 10kg. Từ đầu mùa tới nay, riêng Công ty chế biến thủy sản Ninh Cơ (Hải Hậu) đã xuất khẩu 4.500 tấn sứa, thu về hơn 7 tỷ đồng, Công ty Thiên Phú (xã Hải Triều, Hải Hậu) xuất khẩu 700 tấn sứa ăn liền.
Chu Hồng Châu